Mức khuyến cáo phân bón chung nhất cho cây bơ là áp dụng từ 100 – 200g Ammonium Sulfate hoặc khoảng 50 – 100g urê cho một cây sau khi trồng 1 tháng. Sau đó, áp dụng với liều lượng tương tự cho mỗi lần bón 6 tháng.
Khi cây lớn, cần gia tăng liều lượng phân vô cơ và hữu cơ.
Có thể giảm phân vô cơ, nếu sử dụng nhiều phân hữu cơ. Khi cây mới bắt đầu mang
trái, bón khoảng 500g phân hỗn hợp N-P-K(16-16-8) + 130g KCl cho một cây, bón 2
lần/năm.
Khi cây đã phát triển hoàn toàn và cho trái tối đa (tức là
khoảng 10 - 20 năm tuổi) bón 2kg N-P-K (16-16-8) + 500g KCl cho 1 cây/năm, cũng
chia làm 2 lần bón. Một nửa cho cây khi bắt đầu vào mùa mưa và một nửa bón vào
cuối mùa mưa.
Cách bón: Bón phân hữu cơ đã hoai mục cung cấp các chất
dinh dưỡng vi lượng, nâng cao độ phì và tăng hấp thu phân khoáng NPK. Nên bón
phân chuồng cho cây 1 - 2 lần trong năm, từ 20 - 50kg/cây/năm. Bón rải đều trên
mặt luống vào đầu hay giữa mùa mưa. Áp dụng phân vô cơ khi đất đủ ẩm, đào rãnh
sâu 15 - 20cm vòng quanh gốc chiếu với đường kính tán, bỏ phân vào rồi lấp đất
và tưới nước.
Năng suất bơ biến thiên tùy vào giống, kỹ thuật canh tác
và điều kiện khí hậu vùng trồng, trung bình ở nước ta khoảng 4 – 5 tấn/ha,
nhưng cũng có khả năng đạt trên 20 tấn/ha trong điều kiện tối ưu.
Hiện nay mới chỉ có 5 loại cây đầu dòng bơ trái vụ của
Công ty TNHH MTV Dak Farm được tỉnh Đăk Lăk công nhận theo quyết định số
814/QĐ-SNNNT ngày 29/12/2009.
Nghiên cứu của Viện KHKT nông lâm nghiệp Tây Nguyên cho
rằng đối với cây bơ thì nhóm hoa là yếu tố rất quan trọng vì chúng có tính chất
quyết định khả năng trao đổi phấn, hiệu quả thụ tinh. Ở từng giống có đặc điểm
ra hoa, đậu quả và thời gian thu hoạch khác nhau. Vì vậy nhà vườn sản xuất kinh
doanh cây bơ cần lưu ý và tham khảo nhà chuyên môn, các viện, trung tâm giống
để mua giống có thời gian sinh trưởng, ra hoa rải vụ thích hợp và thực nghiệm
cụ thể trên vườn nhà mình nhằm sản xuất cây bơ cho hiệu quả cao.
Theo danviet.vn - TS Nguyễn Công Thành - 07/09/2012